TTO – Không chấp nhận làng nghề dệt choàng quê mình đứng trước nguy cơ lụi tàn, Huỳnh Ngọc Như (SN 1994) quyết tâm đưa sản phẩm lên một tầm cao mới.
Ngọc Như mặc áo dài làm từ vải của làng nghề dệt choàng Long Khánh A – Ảnh: MẠNH KHANG
Chiếc áo đầu tiên
Khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015, cô tham gia vào CLB Thanh niên với đặc sản Đồng Tháp. Đó cũng là lần đầu mình cô chiếc khăn quê mình ra một sự kiện lớn.
Sau hội chợ, Ngọc Như nhận được tin báo rằng bài viết đề cập đến việc phát triển du lịch ở cù lao Long Khánh nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề dệt choàng của bạn đoạt giải nhì trong cuộc thi viết về ý tưởng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng Tháp.
Để chuẩn bị cho buổi giao lưu trong lễ trao giải sau đó một tuần, Ngọc Như nảy ra ý tưởng may một chiếc áo dài từ chất liệu vải là khăn rằn của làng nghề.
“Chiếc áo dài thành hình kịp để mình dự lễ hôm ấy. Tất nhiên công lao hàng đầu phải là của chị thợ may, vì mình đã bó tay khi ráp” – cô gái nhỏ cười tươi nhớ lại. Đó cũng là thời điểm Ngọc Như nhận ra mình có thể làm nhiều hơn cho làng nghề bằng cách “thổi hồn” vào những chiếc khăn truyền thống.
Khởi nghiệp từ tình yêu
Khăn rằn của làng nghề Long Khánh A hiện có nhiều màu sắc bắt mắt, hợp sở thích bạn trẻ. Trên ảnh: Ngọc Như đang kiểm tra chất lượng khăn. Số khăn này sẽ được làm sạch trước khi mang phân phối. Phía sau là rèm cửa được làm từ chất liệu khăn rằn – Ảnh: MẠNH KHANG
Ngọc Như bắt đầu hành trình của mình bằng việc đăng ký tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tại đây, cô bạn trực tiếp đứng ra chào mời và giới thiệu về sản phẩm khăn rằn truyền thống cũng như những ứng dụng khác của chiếc khăn bằng tâm can của người con được sinh ra và lớn lên ở làng nghề.
“Nhiều người cầm trên tay chiếc khăn mà không hề biết đó là sản phẩm của làng nghề hơn trăm năm tuổi. Khách đến xem hoặc mua đều để lại những lời động viên và các lời khuyên, góp ý cho dự án của mình” – Như xúc động nhớ lại.
Truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ
Hiện tại, mỗi tháng Ngọc Như đều nhận được đơn hàng ít nhất hàng trăm khăn rằn để cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài nước. Cô đã “phác họa” được chiến lược phát triển cho dự án của mình. Cô dành hai tháng để lên TP.HCM tham gia các khóa học, thường xuyên sinh hoạt trong các CLB về khởi nghiệp.
Như tự tìm hiểu và hỏi thăm nhiều người, chuyên gia để nắm rõ về đặc tính các loại nguyên liệu như sợi cotton, sợi polyester, tơ tằm, màu nhuộm tự nhiên và mới nhất là sợi tơ sen… để tìm ra những loại phù hợp nhất cho dệt.
Bạn trẻ nếu có ý tưởng muốn kinh doanh, muốn khởi nghiệp thì trước hết phải xem là sản phẩm thị trường có cần không. Có thể sản phẩm của bạn rất khác biệt nhưng thị trường không cần thì cũng không thể thành công. Và quan trọng là phải có tình yêu với dự án và sản phẩm của mình. Còn khởi nghiệp chỉ vì phong trào, không có tình yêu, mục đích thì nên dừng lại ngay vì dễ bỏ cuộc lắm.
Huỳnh Ngọc Như
Anh Huỳnh Minh Thức – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp – cho biết: “Dù gặp nhiều khó khăn, không xuất phát từ ngành học về kinh tế nhưng Ngọc Như đã làm được một dự án khởi nghiệp sáng tạo đi từ những trăn trở với khó khăn của làng nghề địa phương, một dự án kinh tế vì cộng đồng. Qua đó, địa phương cũng có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo.
Rõ ràng khởi nghiệp không phải là câu chuyện gì đó quá xa vời, cũng không phải là dự án có số vốn cao ngất ngưởng.
Câu chuyện của Ngọc Như đã góp phần truyền cảm hứng về sự sáng tạo trẻ, biết vượt khó vươn lên trong đoàn viên thanh niên tỉnh nhà. Chúng tôi cũng thường mời Ngọc Như chia sẻ câu chuyện thú vị này trong nhiều chương trình, diễn đàn các bài viết, video về khởi sự lập nghiệp cho các bạn trẻ”.
Mình cứ nghĩ nó khùng
Đó là suy nghĩ của Ngô Thị Hoài Thu – giáo viên (ngụ huyện Lai Vung, Đồng Tháp) khi lần đầu hay tin cô bạn thân của mình đang học về văn hóa nhưng lại khởi nghiệp kinh doanh.
Theo Hoài Thu, ở thời điểm đó tại Đồng Tháp, khái niệm khởi nghiệp cũng chưa rầm rộ và được nhiều người biết đến.
Những ngày đầu, Như phải một mình làm hết mọi chuyện từ chọn nguồn sản phẩm, đăng ký thương hiệu rồi chạy chỗ này chỗ kia để hỏi cách làm, học kinh nghiệm. Tham gia các hội chợ triển lãm cũng chỉ bán được số lượng ít nhưng Như không bỏ cuộc.
Thay đổi bộ mặt làng nghề
Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – cho biết: “Mỗi dự án khởi nghiệp thành công là một niềm hạnh phúc cho lãnh đạo Đồng Tháp. Trước khi biết đến dự án khởi nghiệp của Ngọc Như, tôi từng đi thăm làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A – một làng nghề có tuổi đời gần trăm năm. Tôi thấy bất ngờ và ray rứt khi biết giá một chiếc khăn chỉ vào khoảng từ 7.000 – 15.000 đồng. Thu nhập của bà con rất thấp.
Khi dự án khởi nghiệp của Ngọc Như đã đi vào thương mại hóa, đã truyền niềm tự hào và niềm tin của những người dệt khăn choàng ở Long Khánh A. Vậy là những sản phẩm rất đời thường của một làng nghề heo hút đã đi xa, vượt biên giới. Và không chỉ là chiếc khăn như bao đời mà còn có các sản phẩm khác như áo dài, trang phục công sở, cà vạt…
Nguồn: https://tuoitre.vn/
Kết nối với chúng tôi