Tin tức & Sự kiện

Huỳnh Ngọc Như – cô gái Hồng Ngự ước mơ ‘hồi sinh’ những chiếc khăn rằn

Xuất hiện với chiếc áo dài sọc lạ mắt, được may cách tân, thí sinh Huỳnh Ngọc Như, Đồng Tháp đã khiến toàn bộ những người có mặt tại vòng bán kết “Dự án khởi nghiệp lần 2” tổ chức tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp chiều 14/9 phải ngỡ ngàng.


Cô sinh viên Đại học Đồng Tháp – Huỳnh Ngọc Như và những chiếc áo dài may từ vải của làng nghề truyền thống Long Khánh đã giành chiếc vé tham dự vòng chung kết cuộc thi tại TPHCM sắp tới.

Làng dệt choàng Long Khánh, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là làng nghề truyền thống hơn 100.

Các sản phẩm của làng nghề này nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Nổi bật nhất là chiếc khăn rằn, loại khăn từng tạo nên hình ảnh đặc trưng, mang tính biểu tượng một thời.

Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề này ngày càng gặp nhiều khó khăn khi thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, sính mác hàng ngoại để rồi quên đi những sản phẩm truyền thống có giá trị không hề thua kém.

Trước thực trạng này, Huỳnh Ngọc Như đã có bước đi táo bạo khi tìm cách làm mới sản phẩm, giúp người dân tin tưởng và quay lại với làng nghề này.

Việc xuất hiện trong tà áo dài, được may bằng loại vải đặc trưng của Làng dệt choàng Long Khánh đã tô đậm thêm nét dịu dàng của cô gái Nam bộ.

Sự độc đáo của chiếc áo dài là lời khẳng định rằng “sản phẩm của Làng dệt choàng Long Khánh không thua kém bất cứ sản phẩm nào dù đó là hàng ngoại nhập”.

Trong phần thi của mình, Huỳnh Ngọc Như khiến đã khán phòng liên tục vang lên những tiếng vỗ tay giòn giã bởi những câu trả lời hóm hỉnh.

Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan có mặt tại cuộc thi cũng luôn tủm tỉm cười. Có lẽ ông tự hào vì có ít nhất một cô sinh viên đang góp phần vào việc bảo tồn làng nghề truyền thống của quê hương.

Đây cũng là tâm nguyện của vị “Tổng quản”, người luôn sát cánh và rực lửa với phong trào khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà. Và niềm tin ông đặt vào thế hệ trẻ Đồng Tháp đã phần nào được đền đáp.

Tham gia thuyết trình dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm handmade ứng dụng từ chất liệu vải dệt của làng nghề truyền thống, Như mong muốn mang lại giải pháp nhằm nâng cao giá trị sử dụng của loại sản phẩm xuất thân từ làng nghề này.

Bên cạnh đó, Ngọc Như còn mong muốn dự án của mình sẽ giúp phát triển du lịch cũng như mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tiện ích, có giá trị thẩm mĩ, thân thiện với sức khỏe con người.

Với dự án của mình, Huỳnh Ngọc Như tập trung vào các giá trị gia tăng thay vì sản xuất hay buôn bán các sản phẩm đơn thuần của làng nghề. Đây chính là điểm cộng được Hội đồng giám khảo hoàn toàn nhất trí.

Loại vải dệt của Làng dệt choàng Long Khánh được sản xuất bằng phương pháp thủ công, thành phần chính là coton, được nấu hồ, nhuộm màu bằng những bí quyết dân gian, nguyên liệu sẵn nên bền, chắc, màu không bị phai khi gặp chất tẩy rửa, độ mềm vừa phải, thấm hút cao, khi giặt lại nhanh khô.

Tuy nhiên, loại vải này có nhược điểm là các sợi chỉ dễ bị bung nên để trở thành nguyên liệu may mặc không dễ dàng, thậm chí là không thể.

Nhưng cô sinh viên ngành du lịch này đã tìm ra được phương pháp khắc phục, do đó, việc may mặc dễ dàng hơn và sản phẩm chiếm được ưu thế vượt trội.

hinh-1
Khăn rằn một trong những sản phẩm danh tiếng của làng Dệt choàng Long Khánh, Đồng Tháp.

Với những sản phẩm tự thiết kế từ vải của làng nghề truyền thống này như áo dài cách điệu, vỏ gối, rèm cửa, ba lô, túi đựng điện thoại, dày cho trẻ sơ sinh…, Huỳnh Ngọc Như đã góp phần không nhỏ trong việc thức tỉnh Làng dệt choàng Long Khánh khi sản phẩm được nhiều người tìm mua, đặt hàng.

Với sự sáng tạo, Ngọc Như đã có bước khởi đầu thuận lợi trong con đường khởi nghiệp của mình. Theo Như, tương ứng với mỗi 2 triệu đồng nguyên liệu, lợi nhuận thu được là 2,1 triệu đồng. Đây là con số ấn tượng và có sức cuốn hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới, ứng dụng từ chất liệu của làng nghề truyền thống vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vừa góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc trưng của quê hương xứ sở.

Kết thúc phần thi của mình, Huỳnh Ngọc Như không chỉ nhận được tấm vé vào chung kết mà còn có những lời chúc mừng của bạn bè, một số đại diện của doanh nghiệp đang tìm dự án đầu tư.

Đặc biệt, cô sinh viên của Làng dệt choàng Long Khánh còn nhận được lời chúc cũng như đơn đặt hàng trực tiếp từ ông Bí thư Tỉnh Ủy – Lê Minh Hoan.

Theo thông tin mới nhất, sau khi kết thúc vòng bán kết, 1 doanh nhân đã đặt đơn hàng hơn 50 triệu đồng với Huỳnh Ngọc Như để có những sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu.

Các mặt hàng này chủ yếu là sản phẩm liên quan đến mẹ và bé.

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/

093 963 07 08 0939630708